Lịch sử phát triển ngành Y tế huyện Quỳnh Nhai

LỊCH SỬ

Phát triển ngành Y tế huyện Quỳnh Nhai

–––––––––––––

          Năm 1953 là mốc son lịch sử, năm khai sinh ra ngành Y tế huyện Quỳnh Nhai với tên gọi là "Nhà thương Quỳnh Nhai chữa bệnh làm phúc" thuộc khu tự trị Thái Mèo. Do đồng chí Điêu Chính Tỵ làm Trưởng Nhà thương. Với lực lượng cán bộ rất mỏng có 03 đồng chí Y tá với tổng giường bệnh là 05 giường. Cơ sở vật chất thiếu thốn chỉ có 02 nhà tạm để làm việc, bệnh dịch xảy ra triền miên, thuốc men thiếu thốn, đời sống nhân dân thấp kém, dân trí còn  lạc hậu Trong cuộc chiến khốc liệt thực dân Pháp đã tấn công cứ điểm trong đó Nhà thương cũng là điểm ngắm của họ từ đó tấm biển hiệu có 2 vết tích đó là 2 viên đạn của thực dân Pháp gây nên tấm biển hiệu đó vấn có đến năm 2005 do cất dấu không cẩn thận nên tấm biển hiệu đã bị mất không tìm thấy lại được, trong lúc giao chiến cơ sở Nhà thương đã bị bọn thực dân bắn phá làm hỏng nhà cửa, dụng cụ khám chữa bệnh.

Năm 1954 sau khi giải phóng điện biên phủ đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang bắn phá Miền Bắc, Nhà thương phải chuyển vị trí vào sơ tán tại thung lũng suối nước nóng bản bon xã Mường Chiên. do Y sỹ Nguyễn Hàm Đồng làm trưởng nhà thương, đơn vị được khu tự trị Thái Mèo tăng cường cho 02 Y sỹ đó là: Y sỹ Nguyễn Hàm Đồng và Y sỹ Đỗ Đình Phúc, biên chế có 05 người, với 10 giường bệnh, trong thời điểm này đơn vị cử 02 Y tá đi học Y sỹ cấp tốc Đ/C Điêu Chính Tỵ và Đ/C: Hoàng Văn Lả tại Bệnh viện khu.

          Năm 1960 dưới mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ, cơ sở đã bị lộ phải chuyển vào rừng ma Bản Quyền tiếp giáp với Bản Hé xã Mường Chiên, cơ sở vật chất có 15 giường bệnh trang thiết bị, nhân lực khan hiếm, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hết sức khó khăn, dịch bệnh ngày càng gia tăng nhất là dịch tả, thương hàn bùng phát làm tử vong nhiều ca, Khu tự trị Thái Mèo quyết định tăng cường cho đơn vị 01 bác sỹ và 02 Y sỹ của khu và 02 cán bộ đã học xong Y sỹ trở lại đơn vị tiếp tục công tác, tổng biên chế là 07 cán bộ , đơn vị được chia tách làm 02 bộ phận: Bộ phận điều trị do BS Trần Thịnh làm trưởng nhà thương; đội phòng chống dịch do Y sỹ Nguyễn Hàm Đồng phụ trách.

          Năm 1968 là năm chiến tranh ác liệt nhất đế quốc Mỹ tăng cường máy bay phản lực B52 bắn phá miền bắc trong đó có huyện Quỳnh Nhai cũng là điểm tầm ngắm của chúng, buộc đơn vị án binh bất động trong rừng ma cũ, không thể rời đi nơi khác được, cơ sở hạ tầng, thuốc men, nhân lực khan hiếm và được khu tự trị Thái Mèo tăng cường thêm 01 bác sỹ và 03 Y sỹ, tổng biên chế là 11 cán bộ, tổng giường bệnh là 20 giường bệnh, Bác sỹ Trần Quýnh phụ trách chống dịch, bác sỹ Trần Thịnh Trưởng Nhà thương.

          Năm 1970 đế quốc Mỹ vẫn không ngừng ném bom, đơn vị phải di chuyển đi nơi khác, đóng tại khu kéo nghé giáp danh giữa Chiềng Pha cũ, nay là xã Pha Khinh và xã Mường Chiên nằm dọc theo con đường mòn về huyện, cơ sở hạ tầng là lán trại, nhà tạm và được cấp trên tăng cường thêm 04 Y sỹ, 01 Dược sỹ, 03 Y tá tổng biên chế là 19 cán bộ Y tế,  trang thiết bị thuốc men tạm thời ổn định. Nhà Thương được đổi tên thành Phòng Y tế do Y sỹ Lê Lan làm Trưởng Phòng Y tế, Y sỹ Điêu Chính Tỵ Phó Phòng. Tuy đã được bổ sung cán bộ cũng như cơ sở khám chữa bệnh, xong đời sống cán bộ Y tế còn gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Địa bàn công tác rộng. Đường xá đi lại khó khăn, phong tục tập quán, mê tín dị đoan vẫn còn nặng nề. Thấm nhuần lời dậy của Bác “ Phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh, em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” tập thể cán bộ ngành Y tế luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, làm tròn sứ mệnh vẻ vang.

          Năm 1973 đơn vị di chuyển từ Kéo Nghé lên ở dọc suối Nặm Bau thuộc bản Cò đớ xã Mường Chiên, Y sỹ Điêu Chính Tỵ làm Trưởng Phòng Y tế, Bệnh viện huyện được thành lập do Bác sỹ Trần Thịnh làm Bệnh viện Trưởng.

          Năm 1976 đơn vị được chuyển từ khu sơ tán về đóng tại Pom Khá hiện nay là xóm 8 cũ xã Mường Chiên và được tiếp nhận thêm 01 Bác sỹ, 04 Y sỹ, 04 y tá, 01 Dược sỹ, tổng biên chế là 33 cán bộ với tổng số giường bệnh là 30 giường bệnh, Y sỹ Điêu Chính Tỵ Trưởng Phòng Y tế, Y sỹ Hoàng Thị Lả Phó Phòng phòng phụ trách công tác Tổ chức, Y tá Điêu Chính Phắn Phó phòng phụ trách công tác phòng dịch. Bác sỹ  Nguyễn Hải Sơn làm Bệnh viện Trưởng, Y sỹ Tòng Văn Hung Bệnh viện phó.

          Năm 1978 đơn vị được sát nhập Y tế - Thể dục thể thao gọi là Ban Y thể do Bác sỹ Nguyễn Hải sơn làm Trưởng Ban TDTT, ĐHTDTT: Phạm Ngọc Đảm Phó Ban, Bác sỹ Điêu chính Kha Viện trưởng, Bác sỹ Điêu Chính Tô Bệnh viện Phó tổng giường bệnh: 30 giường, Tổng Biên chế: 36 cán bộ.

Năm 1983 đơn vị trở lại Phòng Y tế như cũ, cơ sở hạ tầng có 04  nhà xây cấp 4 và 04 nhà gỗ với 29 cán bộ, Y sỹ Lù Văn Hương làm Trưởng Phòng Y tế, Y tá Hoàng Văn Phanh Phó Phòng. Bệnh viện trưởng  Bác sỹ Điêu Chính Tô, Bác sỹ Điêu Chính Kha Bệnh viện Phó.

Năm 1987 cơ sở hạ tầng tạm thời ổn định, 11 nhà xây cấp 4, trang thiết bị và thuốc men tương đối đầy đủ có 46 cán bộ, 30 giường bệnh.

Năm 1992 đơn vị được đổi tên thành Trung tâm Y tế huyện với tổng số 68 cán bộ và 70 giường bệnh, trang thiết bị, thuốc men đầy đủ, Bác sỹ Điêu Chính Tô Giám đốc TTYT. Phó Giám đốc TTYT: Bác sỹ Điêu Thị Duy; Ysỹ Lù Văn Hương; Y sỹ  Tòng Văn Đoan

Năm 2004 đơn vị được tiếp nhận 6 xã của huyện Thuận Châu với 28 cán bộ, 01 bác sỹ. Tổng nhân lực lúc này là 120 cán bộ, Bác sỹ Phùng Đình Văn Giám đốc, Phó Giám đốc: Bác sỹ La Thị Yêu, Bác Sỹ La Văn Quân.

           Từ tháng 7/2006 Trung tâm Y tế huyện được tách ra làm ba đơn vị đó là: Phòng Y tế, Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế , số giường bệnh 100 giường, 13/13 xã có trạm Y tế và 2 Phòng khám Đa khoa khu vực Chiềng Khoang và Phòng khám ĐKKV Mường Giôn. với tổng biên chế toàn ngành hiện nay có 192 cán bộ. Trong đó: bác sỹ 14 đ/c; Y sỹ 74 đ/c; ĐDTH 25 đ/c; YTSH 23 đ/c; NHSTH 14 đ/c; NHSSH 9 đ/c; DSTH 7 đ/c; DT 01 đ/c, KTV 4 đ/c còn lại là nhân viên khác. Hoạt động của mỗi đơn vị còn nhiều khó khăn xong tập thể ngành Y tế huyện luôn đoàn kết nỗ lực cố gắng học tập rèn luyện phấn đấu không biết mệt mỏi, hoàn thánh sứ mệnh vẻ vang được Đảng và nhà nước tin tưởng giao phó đó là “Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân”.

          Tháng 12 năm 2009 “ Vì dòng điện ngày mai của tổ quốc” Đơn vị nằm trong diện di chuyển lòng hồ Thủy điện Sông đà Sơn La vì vậy chuyển từ xóm 8 xã mường Chiên cũ về nơi ở mới nay là xóm 8 Phiêng Lanh xã Mường Giàng huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La

          Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới” và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương về “củng cố và hoàn thiện mạng lưới Y tế cơ sở”. Chỉ thị số 09/2001/CT/BYT ngày 08/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường Y đức nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ và chất lượng chăm sóc người bệnh đến Y tế cơ sở. Đã có những định hướng quan trọng trong hoạt động của ngành Y tế trong công cuộc đổi mới đất nước.

          Trong những năm qua ngành luôn chú trọng công tác Y tế dự phòng với phương châm “Phòng bệnh tích cực và chủ động”, đặc biệt là huyện thuộc vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La, là một huyện trọng điểm về bệnh sốt rét trên địa bàn toàn tỉnh, xong trong những năm qua do làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, trên địa bàn huyện  không có bệnh dịch lớn xảy ra.

          Hàng năm các chương trình mục tiêu Y tế quốc gia duy trì triển khai có hiệu quả, hoạt động chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai đúng tiến độ, tỷ lệ trẻ em < 1 tuổi được TCĐĐ các loại vác xin đạt > 95% nhờ đó mà tỷ lệ mắc và chết do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã giảm đi rõ rệt. huyện Quỳnh Nhai luôn duy trì được mục tiêu của chương trình: Thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, khống chế sởi, xóa bản trắng về TCMR.

          Công tác quản lý chất lượng ATVSTP được quan tâm và triển khai có hiệu quả. Tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm, đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng năm Ngành Y tế phối hợp với các ban ngành trong huyện. Tổ chức thành công chiến dịch VSATTP trong ( tháng hành động vì chất lượng VSATTP). Vì vậy trong nhiều năm qua trên địa bàn toàn huyện không có vụ ngộ độc lớn xảy ra.

          Chương trình PCSDD được triển khai đồng bộ, 13/13 xã có cộng tác viên dinh dưỡng hoạt thường xuyên, tỷ lệ SDD trẻ em < 5 tuổi  giảm từ 22,3% năm 2008 xuống còn 22,1% năm 2009.

          Việc đưa các dịch vụ KHHGĐ chăm sóc SKSS tới tận các xã, bản có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Bà mẹ và trẻ em.

Công tác KCB từng bước được nâng lên, cơ sở, vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác KCB được quan tâm đầu tư, hàng năm tổ chức khám chữa bệnh cho trên 60 nghìn lượt bệnh nhân, công  sử dụng giường bệnh đạt từ 60% trở lên.

Công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ Y tế được chú trọng hiện nay toàn huyện đã có 21 bác sỹ. trong đó có 7/13 trạm Y tế xã có bác sỹ,  đang theo học trường đại học Y khoa Thái Nguyên và Thái bình 9 cán bộ.

 .        Năm 2009 toàn huyện đã có 02 trạm Y tế xã được công nhận xã đạt chuẩn về Y tế đó là trạm Y tế xã Mường Giôn, Trạm Y tế xã Nậm Ét.

          Ngành Y tế huyện nhà có được những thành tích trên đây là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của huyện ủy-HĐND-UBND huyện, Sở Y tế Sơn La và sự giúp đỡ ủng hộ của các cơ quan ban ngành, đoàn thể. đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết của tập thể cán bộ ngành Y tế. Những thành tích đó đã đóng góp chung vào kết quả đạt được của ngành Y tế Sơn La cũng như truyền thống vẻ vang mà các thế hệ thầy thuốc chúng ta đã phấn đấu trong những năm qua.

Trải qua 56 năm xây dựng và trưởng thành ngành Y tế huyện Nhà Đã có các tầng lấp  cán bộ tham gia và đóng góp xây dựng ngành Y tế như sau:

          Tổng số cán bộ, công chức, viên chức từ những thời kỳ 1953 đến nay: 312 cán bộ;

Trong đó:

- Cán bộ Đương chức: 86 người;

- Cán bộ nghỉ hưu: 57 người;

- Cán bộ chuyển ngành: 46 người;

- Cán bộ chết khi đang công tác: 09 người;

- Cán bộ nghỉ việc: 35 người;

- Cán bộ chia tách: 79 người

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển KT,XH của tỉnh của huyện, ngày càng mạnh mẽ. Nhu cầu CSSK và KCB của nhân dân ngày càng cao. Vì vậy ngành Y tế huyện nhà còn nhiều việc phải làm, mà trước mắt trong năm 2011 và những năm tiếp theo cần phải tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau:

          1. Tiếp tục triển khai thực hiên cuộc vân động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”

          2. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chiến lược CS&BVSKND giai đoạn 2011-2015, chiến lược quốc gia về CSSKSS 2011-2015, các Chỉ thị, NQ của Đảng và chính phủ có liên quan đến sự nghiệp CSBVSKND.

          3. Tăng cường giáo dục, nâng cao y đức, nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở KCB, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác KCB cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

          4. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo tinh thần chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng và thực hiện QĐ số 370/2002/QĐ-BYT ngày 2/7/2002 cua Bộ Trưởng bộ Y tế về chuẩn quốc gia về Y tế xã giai đoạn 2011-2015. phấn đầu năm 2012 có từ 03 trạm Y tế xã trở lên đạt chuẩn quốc gia.

          5. Làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phục vụ tốt công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La, thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia.

          6. Chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới.

          8. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, nâng cao hiệu quả công tác  tuyên truyền, từng bước xã hội hóa về công tác Y tế, thực hiện các phòng trào làng văn hóa - sức khỏe.

          Tuy nhiên để làm tốt các nhiệm vụ trên đây đòi hỏi phải có sự đổi mới toàn diện trong toàn ngành, đặc biệt là đổi mới công tác quản lý lãnh đạo, điều hành. Trong giai đoạn mới này mỗi cán bộ nhân viên trong ngành Y tế cần xác định rõ rằng sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Với sự đoàn kết ý trí quyết tâm cao, nhất định chúng ta sẽ dành được nhiều thắng lợi hơn nữa, làm rạng rỡ truyền thống của ngành Y tế tỉnh Sơn La nói chung và ngành Y tế huyện Quỳnh Nhai nói riêng. Tiếp tục rèn luyện Y đức, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, trau dồi kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ,  vượt mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và năng cao sức khỏe các dân tộc trong toàn huyện.

  

Gửi bình luận

Họ và tên* Email*
Nội dung*